Hôm nay ngày mùng 2 tết Giáp Thìn. Chúc các bạn một năm mới An Khang – Thịnh Vượng.
Trong không khí tết cổ truyền ấm áp, tự dưng mình lại nảy sinh ra ý định thực hiện ngay cái điều mà mình ấp ủ từ lâu, đó là phát triển hướng tư vấn nghề nghiệp cho các em, nhất là ngành cơ khí.
Tuy nhiên, bài viết này chỉ mang tính chất trải lòng về một vấn đề nhỏ trong việc nhận định về nghề nghiệp của chúng ta, đó là nghề CNC.
Tôi thường nói các bạn sinh viên, học viên rằng: “CNC chỉ là phần ngọn, phần gốc rễ phải là Công nghệ chế tạo máy”. Vì vậy khi tư vấn học CNC tôi thường hỏi các bạn là đã từng làm hay từng học cơ khí chưa. Và nếu chưa thì tôi thường khuyên các bạn là cần làm hoặc học cơ khí trước đi đã.
Ở đây Công nghệ chế tạo máy các bạn cần hiểu là một lĩnh vực nghề nghiệp, không phải là một môn học. Thực ra ta có thể gọi là nghề Cắt gọt kim loại.
Vậy tại sao “CNC chỉ là phần ngọn, phần gốc rễ phải là Công nghệ chế tạo máy”. Chúng ta cần phân tích sơ bộ, sơ bộ thôi nhé, vấn đề này dài lắm.
Đầu tiên, việc vận hành máy CNC thì đương nhiên rồi, nếu bạn đã biết vận hành, gia công máy cơ (máy vạn năng) thì khi lên máy CNC chắc chắn các bạn sẽ rất dễ dàng tiếp cận. Vận hành gia công cơ chính là một phần của nghề Cắt gọt kim loại các bạn nhé.
Vận hành CNC thì liên quan mật thiết đến vận hành máy vạn năng, vậy còn lập trình thì sao? Trước khi lập trình các bạn cần phải đọc kỹ bản vẽ. Nói đến bản vẽ chắc không cần nói nhiều, thiết nghĩ ai ai học kỹ thuật cũng đều cần đến kiến thức về bản vẽ và chúng ta làm CNC thì cần phải hiểu về bản vẽ chế tạo. Đây là một môn học, một vấn đề hết sức quan trọng trong Chế tạo máy.
Và khi lập trình thì ngay từ đầu chương trình, đương nhiên là các bạn phải gọi dao rồi. Vậy việc này có cần cân nhắc không hay dao nào cũng được? Từ việc lựa chọn loại dao, đường kính dao thôi cũng đã cần kiến thức rồi. Kiến thức này có thể học trong nhà trường, học trong quá trình làm việc hoặc tự học. Khi bạn được làm, được học thì bạn sẽ còn biết rằng quá trình cắt nó còn phụ thuộc vào vật liệu dao, vật liệu phôi, các góc độ dao, loại dao chuyên dụng hay đa năng. Những kiến thức đó thuộc nằm trong môn học Công nghệ chế tạo máy và Vật liệu học.
Rồi khi chọn được dao rồi thì bạn cũng cần phải cho dao quay trước khi cắt gọt? Vậy dao quay tốc độ bao nhiêu là phù hợp? Khi phá thô thì quay bao nhiêu, khi làm tinh thì thế nào. Vấn đề này có thể sách vở chưa cập nhật kịp so với công nghệ hiện đại, nhưng ít ra bạn cũng cần có cái nền thì bạn lựa chọn và phán đoán nó cũng dễ dàng hơn. Quay thôi còn chưa đủ, còn phải kết hợp với bước tiến dao (F) rồi thì chiều sâu mỗi lát cắt nữa. Đây lại là kiến thức của Công nghệ chế tạo máy bạn nhé. Lấy một ví dụ đơn giản: khi bạn taro bạn cần tính toán, chọn lựa những thông số nào nhỉ? Chọn mũi khoan, tốc độ quay trục chính (S), tốc độ tiến dao (F), dựa vào vật liệu, loại lỗ để chọn loại taro. Những cái đó bạn chỉ có thể học trong quá trình làm, trong sách vở, không dễ để tự biết được bạn nhé.
Nói hết về dao cụ chắc là quá khó, trên đây chỉ là những thứ căn bản nhất.
Khi đọc bản vẽ ta cũng cần biết những thứ căn bản nhất như sai lệch cơ bản, dung sai, độ nhám bề mặt – đây cũng là Công nghệ chế tạo máy bạn nhé. Và làm sao để đạt được những yêu cầu này thì đó là cả một quá trình dài học hỏi (học trong quá trình làm, học trong sách vở)
Có lẽ tản mạn đến đây các bạn cũng đủ hiểu CNC chỉ là phần ngọn (phần thực hiện, phần cuối) còn gốc rễ, nền tảng để đạt được phải là Công nghệ chế tạo máy. Vì vậy, mặc dù là người đào tạo về CNC nhưng chúng tôi luôn khuyên các bạn cần có nền tảng công nghệ chế tạo máy trước bạn nhé.
Vũ Thế Mạnh